25/04/2023
Phương pháp Top-Down & Bottom-Up trong IELTS Listening
Trong quá trình học tiếng Anh, đặc biệt là luyện thi IELTS, kỹ năng Listening là kỹ năng rất quan trọng mà bạn cần dành nhiều thời gian luyện tập. Không chỉ cho phép người đọc tiếp nhận thông tin dưới dạng âm thanh mà luyện nghe tiếng Anh còn hỗ trợ các bạn luyện phát âm và đồng thời luyện kỹ năng Speaking. Vì vậy, các bạn cần chú trọng tới kỹ năng nghe và áp dụng những chiến lược luyện tập hiệu quả để chinh phục phần thi này. Hãy cùng EFOS tìm hiểu phương pháp luyện nghe Top-Down và Bottom-Up để cải thiện khả năng nghe cũng như nâng band điểm IELTS Listening nhé.
Định nghĩa phương pháp Top-Down và Bottom-Up
- Phương pháp Top-Down
Top-Down là phương pháp nghe từ trên xuống. Dựa vào kiến thức nền và vốn từ vựng có sẵn của bản thân, thí sinh sẽ áp dụng phương pháp Top-Down để nắm bắt nội dung của bài nghe. Những kiến thức nền mà thi sinh cần có khi thực hiện phương pháp Top-Down này bao gồm:
- Context: Ngữ cảnh, hoàn cảnh nói và chủ đề của bài nghe.
- Co-text: Những từ xuất hiện trước hoặc sau một từ cụ thể trong đoạn nghe, mang mục đích giải thích nghĩa của từ đó.
Ví dụ: Trong một bài nghe là cuộc nói chuyện giữa 2 sinh viên về bài kiểm tra, thí sinh cần xác định kiến thức context là chủ đề giáo dục, thi cử để khoanh vùng từ vựng liên quan, từ đó dễ dàng dự đoán những thông tin có thể xuất hiện trong bài nghe.
Việc sử dụng cách tiếp cận Top-Down giúp người học liên hệ tới những kiến thức đã biết về chủ đề đang nghe để dự đoán ý nghĩa của những từ vựng mới xuất hiện trong bài nghe, giúp cho việc tiếp nhận thông tin không bị đứt quãng và thí sinh vẫn có thể trả lời câu hỏi của bài nghe kể cả khi gặp từ mới không biết nghĩa.
- Phương pháp Bottom-Up
Bottom-Up là phương pháp nghe từ dưới lên, yêu cầu thí sinh phải nghe hiểu được những thông tin chi tiết nhất. Ví dụ: nhận diện các âm tiết khác nhau giữa 2 từ có phát âm tương tự, phân biệt từ vựng, phát hiện những cấu trúc ngữ pháp. Dựa vào những thông tin đó, thí sinh mới có thể nghe hiểu được ý nghĩa và nội dung mà bài nghe truyền tải. Để thực hiện phương pháp Bottom-Up, thí sinh cần chuẩn bị nền tảng ngôn ngữ vững chắc về từ vựng, ngữ pháp và phát âm.
Phương pháp Bottom-Up phù hợp với những bài nghe ngắn, có tốc độ chậm hoặc các đoạn đối thoại nhỏ. Ở những bài nghe này, thí sinh áp dụng phương pháp nghe từ dưới lên có thể tập trung hơn vào việc hiểu âm thanh và từ ngữ, giúp thí sinh xử lý và giải mã bài nghe tốt hơn. Quá trình nghe, xử lý và giải mã thông tin sẽ diễn ra liên tục như vậy đến khi thí sinh hiểu được nội dung của bài nghe.
Ví dụ: Trong câu “Tomorrow, my uncle John will come over to visit us”. Khi thực hiện phương pháp Bottom-Up, quá trình nghe sẽ bắt đầu bằng việc thí sinh tiếp nhận âm thanh của mỗi từ đơn trong câu như “tomorrow”, “uncle John”, “visit”,… Sau đó, thí sinh sẽ nhận diện ý nghĩa của các âm mà mình nghe được để phân biệt từ đó với các từ khác, như “tomorrow” là trạng từ chỉ thời gian mang nghĩa là ngày mai.
Cách áp dụng phương pháp Top-Down và Bottom-Up trong IELTS Listening
- Phương pháp Top-Down
Để áp dụng cách tiếp cận Top-Down, trong quá trình nghe audio thí sinh nên chú ý tới một số từ khoá quan trọng xuất hiện trong bài nghe mang thông tin giúp xác định được vấn đề. Qua một vài từ khoá, thí sinh có thể biết được chủ đề mà đoạn audio đang nói tới để dự đoán câu trả lời.
Các dạng bài tập luyện phương pháp nghe Top-Down mà thí sinh có thể áp dụng khi luyện nghe tại nhà:
- Sắp xếp một loạt tranh ảnh hoặc chuỗi sự kiện theo thứ tự.
- Lắng nghe các cuộc hội thoại và xác định nơi chúng diễn ra.
- Đọc thông tin về một chủ đề rồi lắng nghe để tìm xem có điểm giống nhau nào được đề cập hay không, hoặc suy ra các mối quan hệ giữa những người liên quan.
Phương pháp Top-Down sẽ tiết kiệm thời gian làm bài nghe hơn vì ở phương pháp này, thí sinh không cần nghe hiểu từng từ mà vẫn có thể nắm bắt được một phần thông điệp được nhắc tới. Đặc biệt, phương pháp Top-Down còn rất hữu ích khi thí sinh gặp các dạng đề học thuật khó chứa nhiều từ vựng chuyên môn mà thí sinh không rõ nghĩa. Nhờ vào phương pháp Top-Down, thí sinh có thể dễ dàng dự đoán thông tin mà không cần quá tập trung vào làm rõ nghĩa những từ mới đó.
Tuy nhiên, phương pháp Top-Down phù hợp với người học tiếng Anh ở trình độ trung trở lên, khi người học đã có một lượng từ vựng và kiến thức nền nhất định để hiểu được nội dung của bài nghe.
- Phương pháp Bottom-Up
Thay vì nghe để lấy thông tin chung và hiểu nội dung khái quát như phương pháp Top-Down, thí sinh khi áp dụng Bottom-Up cần phải chú ý đến những thông tin chi tiết để trả lời câu hỏi. Qua đó, thí sinh phải giải mã những âm thanh đã nghe, xác định đó là từ nào. Việc “bóc tách” những đơn vị thông tin nhỏ từ bài nghe đóng vai trò rất quan trọng khi thực hiện phương pháp Bottom-Up. Bên cạnh đó, để luyện nghe hiệu quả hơn, thí sinh cũng có thể kết hợp Bottom-Up và Nghe-Chép chính tả. Bằng cách này, khi tiếp nhận âm thanh, thí sinh phải tư duy nhanh chóng để nhận diện, phân biệt những từ nào đang được nhắc đến, đồng thời ghi các âm đó ra dưới dạng chữ viết. Luyện tập việc này thường xuyên sẽ giúp thí sinh tăng tốc độ xử lý bài nghe nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Phương pháp nghe từ dưới lên phù hợp với những người mới bắt đầu học nghe ở trình độ beginner. Do lượng từ vựng còn giới hạn, chưa cho phép họ tự động xử lý những gì mình đang nghe và hiểu được thông điệp của bài, mà người học cần phải dựa vào những yếu tố của ngôn ngữ như âm thanh, ngữ pháp, và từ vựng để xử lý những đơn vị thông tin đó thành một thông điệp có nghĩa.
Các dạng bài tập để luyện phương pháp Bottom-Up hiệu quả bao gồm:
- Điền vào chỗ trống.
- Hoàn thành câu.
- Xác định vị trí, địa điểm trên bản đồ/biểu đồ.
- Trắc nghiệm chọn câu trả lời đúng.
Tóm lại, Top-Down và Bottom-Up là 2 phương pháp nghe quan trọng mà các bạn cần luyện tập thành thạo để hiểu, phân tích và xử lý thông tin bài nghe hiệu quả. Tuỳ vào trình độ của bản thân và mục đích nghe – nghe hiểu chủ đề nội dung khái quát hay nghe để lấy thông tin chi tiết – mà thí sinh nên chọn phương pháp nghe phù hợp.