10/05/2023
Kỹ năng nhận diện từ vựng trong IELTS Listening
Trong quá trình luyện thi IELTS Listening, một trong những thử thách lớn nhất với người học là khả năng nhận diện từ vựng trong chuỗi âm thanh của audio. Rất nhiều bạn cảm thấy khó khăn khi mới làm quen với các bài nghe của IELTS và không phân tách được từ vựng mang nội dung có ích, dẫn đến việc bỏ lỡ nhiều thông tin quan trọng. Hãy cùng EFOS tìm hiểu kỹ năng “decoding” - giải mã các đơn vị thông tin trong bài nghe và nhận diện từ vựng để làm IELTS Listening đạt hiệu quả cao nhé.
Kỹ năng nhận diện từ vựng trong quá trình “decoding” - giải mã thông tin trong bài nghe
Để giải mã thông tin của bài nghe, người học cần thực hiện phân tách những âm thanh trong bài nói và liên kết chúng với vốn từ vựng và ngữ pháp của bản thân. Từ đó người học mới hiểu ý nghĩa của câu nói mà audio truyền tải. Quá trình “decoding” này diễn ra theo các cấp độ từ các âm riêng lẻ đến các cụm từ: cấp độ âm vị, cấp độ âm tiết, cấp độ từ riêng lẻ, cấp độ phân tích cú pháp, và cấp độ ngữ điệu để nhận diện cụm từ và mệnh đề. Từ việc phân tách âm tiết để tạo thành từ riêng lẻ, người học sẽ nhóm các từ riêng lẻ này thành “chunks” – các cụm từ hoặc mệnh đề mang nội dung truyền tải bằng cách phân tích cú pháp và ngữ điệu. Tuỳ thuộc vào khả năng nghe tiếng Anh của người học mà tốc độ giải mã từ vựng là nhanh hay chậm.
Các vấn đề thường gặp trong quá trình nhận diện từ vựng
- Vấn đề nhận diện từ vựng (word recognition)
Trong quá trình nghe, đôi khi người học không nhận ra những từ mình đã biết, hoặc nghe được từ nhưng không gợi nhớ ra cách viết như thế nào. Điều này xảy ra là do người học không liên kết được âm thanh đã nghe với một từ cụ thể.
Ví dụ: Trong audio xuất hiện câu nói “After check-in, please proceed to gate 26”. Khi nghe âm /tʃek/ /ɪn/ của từ “check-in”, thí sinh đã không nhận ra từ vựng này hoặc nhầm lẫn với từ “chicken”, khiến câu nói trở nên vô nghĩa và thí sinh không hiểu được nội dung bài nghe.
Nguyên nhân dẫn đến việc mất liên kết này là do khi học từ mới, nhiều người học chỉ tập trung ghi nhớ cách viết chính tả và ý nghĩa của từ mà bỏ qua việc học phát âm chúng. Do vậy, mối liên kết giữa cách phát âm với hình thái chữ viết không được củng cố trong trí nhớ nên khó nhận diện từ sau này.
Để cải thiện hoặc tránh mắc phải vấn đề này, người học khi học từ vựng mới cần học cả cách phát âm chính xác của từ đó. Nguồn học phát âm cũng nên xuất phát từ các nguồn uy tín đáng tin cậy như Oxford Dictionary hay Cambridge Dictionary. Bên cạnh việc đọc đúng phiên âm của từ, người học cũng nên chú trọng vào trọng âm của từ để làm quen với ngữ điệu nói. Cách học này phục vụ cả mục đích luyện Listening cũng như luyện Speaking cho người học. Ngoài ra, các bạn có thể luyện nghe bằng phương pháp nghe – chép chính tả (dictation) để luyện tập tạo mối liên kết trí nhớ giữa cách phát âm và cách viết của một từ.
- Vấn đề phân tách từ vựng (word segmentation)
Một vấn đề nữa xảy ra trong quá trình nhận diện từ vựng là người học không phân tách được một nhóm âm thanh liên tiếp thành các từ riêng lẻ. Nguyên nhân xuất phát từ việc người học không nhận diện được các đặc điểm ngữ âm phức tạp trong tiếng Anh như biến âm, nối âm, nuốt âm, hay đồng hoá các âm.
Ví dụ: Người học không phân tách được các âm bị đồng hoá thành 2 từ khác nhau như: /wʊdʒu:/ -> /wʊd/ /ju:/ -> would you.
Để khắc phục tình trạng này, các bạn có thể chủ động tìm hiểu các đặc điểm phát âm đặc biệt trong tiếng anh như biến âm, âm câm, nối âm, nuốt âm và đồng hoá âm để luyện nghe chép chính tả và luyện phát âm. Khi đã thành thạo các đặc điểm phát âm đó rồi thì việc nhận diện từ vựng trong bài nghe sẽ trở nên dễ dàng hơn.
- Biến âm: hiện tượng các nguyên âm không chứa trọng âm trong một từ bị rút ngắn lại khi nói. Các từ có nguyên âm a, e, o, u thường được biến thành âm /ə/, các từ có nguyên âm e, i thường được biến thành âm /ɪ/.
Ví dụ: entertainment: /ɛntəˈteɪnmənt/, enjoyment /ɪnˈdʒɔɪmənt/, target /ˈtɑːɡɪt/.
- Âm câm: âm không được phát ra thành tiếng trong từ. 2 âm câm thông dụng nhất là h và e.
Ví dụ: vehicle /ˈviːəkl/, hour /ˈaʊə(r)/, honest /ˈɒnɪst/, vegetable /ˈvedʒtəbl/, comb /kəʊm/, doubt /daʊt/, muscle /ˈmʌsl/, singer /ˈsɪŋə(r)/, knife /naɪf/.
- Nối âm (linking sounds): hiện tượng âm cuối cùng của từ đứng trước được nối liền với âm đầu tiên của từ đứng sau (thường là nguyên âm) để giúp câu nói được nhanh và trôi chảy hơn.
Ví dụ: make_up /meɪk ʌp/ được đọc nối thành /meɪ kʌp/; show_up /ʃəʊ ʌp/ đọc nối thành /ʃəʊ wʌp/.
- Nuốt âm (elision): hiện tượng một hoặc nhiều âm tiết (có thể là nguyên âm hay phụ âm) không chứa trọng âm trong một từ bị lược bỏ khi nói.
Ví dụ: potato -> /pəˈteɪ.t̬oʊ/ -> /pˈteɪ.t̬oʊ/; go away -> /ɡəʊ/ /əˈweɪ/ -> /ˈgəʊ ˈweɪ/.
- Đồng hoá các âm: hiện tượng âm thanh của lời nói bị biến đổi để trở nên giống hơn với những âm xung quanh ở một hoặc vài khía cạnh nào đó trong cách phát âm.
Ví dụ: That person /ðæp ˈpɜːsən/; It breaks /Ip breik/.
Để nâng cao kỹ năng nghe tiếng Anh nói chung và luyện thi IELTS Listening nói riêng, một trong những điều người học cần chú trọng là khả năng “decoding” - giải mã thông tin thông qua việc nhận diện từ vựng. Qua bài viết trên, các bạn chắc hẳn đã nắm được làm thế nào để nhận diện từ vựng và hoàn thiện kỹ năng nghe của mình. Chúc các bạn chinh phục thành công band điểm IELTS Listening mơ ước.