Kỹ năng dự đoán thông tin trong IELTS Listening

Trước khi bước vào phần nghe audio, thí sinh sẽ có 15 – 30 giây để đọc qua câu hỏi. Để làm bài nghe hiệu quả, thí sinh cần sử dụng khoảng thời gian này để đọc sơ qua nội dung cần nghe và kết hợp với việc dự đoán trước thông tin dựa trên câu hỏi đề bài. Hãy cùng EFOS tìm hiểu kỹ năng dự đoán thông tin để các bạn có thể vạch định rõ những điều cần cân nhắc và có sự chuẩn bị tốt cũng như tận dụng hiệu quả thời gian chuẩn bị cho bài IELTS Listening nhé.

 

Bắt đầu bài thi IELTS Listening, thí sinh cần tập trung lắng nghe đoạn giới thiệu mở đầu để nắm bắt được ngữ cảnh bài nói và dự đoán người cung cấp thông tin dựa trên việc đọc lướt qua phần câu hỏi. 2 yếu tố này sẽ giúp thí sinh hướng sự tập trung đúng chỗ để lọc thông tin nghe và dễ dàng nhận diện được những từ quan trọng trong bài nghe để phục vụ cho việc trả lời câu hỏi, đặc biệt là những dạng câu hỏi về điền từ. Việc dự đoán này sẽ được thực hiện như sau:

  • Dự đoán ngữ cảnh bài nói: Thí sinh cần dựa vào tiêu đề, các thông tin được cung cấp giới thiệu về bài nói và các câu hỏi để đưa ra phỏng đoán về nội dung bài nói (cuộc đối thoại giữa 2 người về vấn đề đặt phòng khách sạn, hội thoại giữa học sinh và giáo sư, đoạn độc thoại về cuộc sống hàng ngày hay sở thích về thể thao, v.v…). Từ đó, thí sinh sẽ nắm bắt được chủ đề của bài nói và chuẩn bị sẵn sàng các từ vựng liên quan có thể gặp trong audio.
  • Xác định người cung cấp thông tin: Trong các đoạn hội thoại, việc xác định người đưa ra những thông tin là rất quan trọng. Điều này giúp thí sinh hướng sự tập trung đến phần nói của người cung cấp thông tin hơn để không bị lỡ mất các chi tiết cần thiết cho việc trả lời câu hỏi. Đặc biệt, điều này còn giúp thí sinh tránh được các “bẫy” trong bài nghe vì người cung cấp thông tin sẽ là người cuối cùng xác minh lại thông tin chính xác nhất hoặc sửa đổi lại những thông tin đã bị cung cấp sai.

 

Kỹ năng dự đoán thông tin trong từng dạng bài IELTS Listening

  1. Dạng bài Table/Note/Form Completion

Đây là một dạng bài khó nhằn đối với những học sinh mới làm quen với IELTS vì các bạn sẽ rất dễ bị lẫn thông tin và không biết nên chú ý nghe những đoạn thông tin nào. Điều này dẫn đến tình trạng các bạn phải căng thẳng nghe hết tất cả từng câu chữ của audio mà không hệ thống hoặc sàng lọc được thông tin, từ đó dẫn đến việc bỏ lỡ thông tin cần thiết và không làm được dạng bài điền từ vào chỗ trống.

Đối với dạng bài này, thí sinh cần xác định 2 vấn đề chính:

  • Từ loại của từ cần điền vào chỗ trống: Dựa vào những từ đứng trước hoặc sau của chỗ trống và vận dụng vốn ngữ pháp của bản thân để dự đoán loại từ cần điền là gì (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, v.v…)
  • Loại thông tin của từ: Dựa vào ngữ cảnh của bài nghe và dự đoán nội dung của cả câu và từ cần điền sẽ mang thông tin gì. Một số dạng thông tin đặc biệt cần chú ý:
  • Các loại code thường kết hợp chữ và số. Ví dụ: AA15370
  • Địa chỉ thường được viết theo công thức: Số nhà + Tên đường + Thị trấn/Thành phố. Ví dụ: 1 South Avenue, Garden City, New York.
  1. Dạng bài Multiple Choice

Dạng bài Multiple Choice cũng là một trong những dạng bài gây khó khăn vì thí sinh cần phải phân tích một khối lượng thông tin lớn trong khoảng thời gian ngắn. Do vậy, để tiết kiệm thời gian, thí sinh cần tận dụng 30 giây đầu bài nghe để đọc lướt qua câu hỏi và các lựa chọn đề bài đưa ra, đồng thời dự đoán và chú ý đến các thông tin gây xao nhãng (distractions: except, not, the most,…) có thể xảy ra trong bài.

Qua việc đọc trước câu hỏi và các lựa chọn trong đề bài, thí sinh có thể đưa ra dự đoán về nội dung của bài nghe để biết được phần thông tin nào cần tập trung nghe kỹ và dùng phương pháp loại trừ.

Lưu ý: Thí sinh tuyệt đối không dự đoán đáp án có thể chọn dựa trên suy nghĩ chủ quan của mình đối với dạng bài này vì điều này có xu hướng dẫn đến tình trạng nghe có phân biệt hay chọn lọc thông tin theo ý kiến chủ quan của bản thân thay vì thông tin mà audio thực sự truyền tải.

  1. Dạng bài Matching Features

Tương tự như Multiple Choice, thí sinh cũng cần phải xử lý nhiều thông tin cùng lúc trong dạng bài Matching Features. Đối với dạng bài này, thí sinh nên phân biệt sự khác nhau giữa những lựa chọn bằng cách gạch dưới những từ khoá quan trọng, đồng thời dự đoán và đặc biệt chú ý đến những đáp án tương tự nhau có thể nhầm lẫn. Việc phân biệt sự khác nhau giữa các lựa chọn giúp thí sinh có thể tránh được những nhầm lẫn có thể phát sinh trong quá trình nghe.

Lưu ý:

  • Câu hỏi sẽ được đề cập trong bài nói theo đúng trình tự trên đề bài, tuy nhiên các đáp án được lựa chọn có thể không theo thứ tự từ trên xuống trong list trên đề bài.
  • Thí sinh không dự đoán đáp án có thể chọn dựa trên ý kiến cá nhân của mình mà phải dựa vào thông tin cung cấp trong audio. 
  1. Dạng bài Map

Bên cạnh việc đọc các thông tin thể hiện trên bản đồ, thsi sinh cần khai thác được giá trị của thông tin tiềm ẩn trong dạng bài Map như:

  • Trình tự các câu hỏi trên bản đồ thường cũng chính là trình tự bài nói. Thí sinh xác định được điều này có thể tránh rơi vào tình trạng “lạc đường” trong quá trình nghe.
  • Nhận định những đặc điểm đặc biệt và dự đoán cách thức miêu tả đối tượng hoặc vị trí so với các landmarks xung quanh. Thí sinh có thể chuẩn bị sẵn từ vựng có thể được đề cập đến để nói về những landmarks trên bản đồ (ví dụ: stall, booths: rạp, quầy hàng; water fountain: đài phun nước; the park: công viên, the playground: khu vui chơi cho trẻ; v.v…).

 

Qua bài viết trên đây, thí sinh phần nào hiểu được kỹ năng dự đoán thông tin khi đọc câu hỏi và cách áp dụng cho từng dạng bài của IELTS Listening. Đây là bí kíp hữu ích giúp các bạn có thể trau dồi kỹ năng và luyện tập thường xuyên để chinh phục phần thi Listening. Chúc các bạn sớm hoàn thành mục tiêu IELTS của mình với các tips học mà EFOS chia sẻ nhé.

091.869.8596
Liên hệ qua Zalo
Messager