27/02/2023
Cách phân bố thời gian trong IELTS Listening
IELTS Listening là một trong những kỹ năng khiến nhiều thí sinh gặp nhiều khó khăn vì chỉ cần sao nhãng một giây thôi là sẽ mất trọn cả bài. Lí do chính cho việc đó là áp lực về thời gian trong phòng thi là rất lớn. Do vậy, việc quản lý thời gian trong IELTS Listening là một yếu tố quan trọng quyết định rằng thí sinh có làm bài hiệu quả hay không. Hãy cùng EFOS tìm hiểu rõ về cấu trúc của bài thi và các phương pháp quản lý thời gian trong IELTS Listening nhé.
Bài thi IELTS Listening bao gồm 4 phần với độ dài bài nghe khác nhau và đều có 10 câu hỏi cho mỗi phần. Tương tự như các đề nghe trong Cambridge, bài thi IELTS Listening thường bắt đầu bằng một phần giới thiệu ngắn về nội dung bài nghe và một số hướng dẫn (instructions). 3 phần đầu được chia thời gian như sau: thí sinh sẽ có 45 giây để đọc các câu hỏi ở nửa đầu của bài thi; sau đó là 30 giây ở giữa phần thi để đọc các câu hỏi ở nửa sau; và 30 giây cuối cùng để xem lại các đáp án mình đã chọn sau khi kết thúc bài nghe. Riêng phần 4 của bài Listening, thí sinh sẽ không có các đoạn nghỉ ở giữa các câu hỏi như các phần trước. Thay vào đó, bài nghe trong phần 4 chỉ có khoảng 5 giây nghỉ ở giữa audio và 30 giây cuối sau khi kết thúc audio để kiểm tra các đáp án mà mình đã chọn.
Các phương pháp để quản lý thời gian trong IELTS Listening:
- Tận dụng tất cả thời gian được cho để đọc câu hỏi
Hãy sử dụng mọi khoảng thời gian được cho để đọc trước các câu hỏi. Việc đọc trước các câu hỏi giúp thí sinh định hình trong đầu nội dung cơ bản của bài nghe và xác định được các từ khoá chính cần tập trung trong audio. Ngoài ra, thí sinh cũng nên tận dụng các khoảng thời gian nghỉ giữa các nhóm câu hỏi để hình dung ra các cách paraphrase khác nhau mà bài thi có thể sử dụng, hay thậm chí đoán thử một số đáp án cho các dạng bài điền từ.
- Không dò lại các đáp án đã điền giữa lúc audio chạy
Việc dò lại và kiểm tra các đáp án đã điền là một điều cần thiết. Tuy nhiên, thí sinh nên chọn thời điểm hợp lý để làm thay vì dò lại các đáp án trước đó giữa lúc bài nghe chưa kết thúc. Vì trong thời gian đang làm bài nghe, thí sinh sẽ rất dễ bị lẫn lộn các chi tiết nên việc quay lại xem những đáp án đã điền sẽ khiến thí sinh hoang mang và không đủ thời gian để suy nghĩ thấu đáo. Do vậy, hãy dành những khoảng nghỉ giữa các đoạn nghe để đọc và chuẩn bị trả lời cho các câu hỏi tiếp theo chứ không nên xem lại đáp án vào lúc này.
- Tận dụng thời gian được cho để ghi đáp án vào Answer Sheet
Như đã đề cập ở phía trên, thí sinh cần thực hiện bước dò lại và kiểm tra các đáp án đã điền. Thời gian hợp lý để làm điều đó là lúc thí sinh thực hiện “transfer” đáp án ra Answer sheet. Để tiết kiệm thời gian, thí sinh nên kết hợp việc điền đáp án vào giấy với việc kiểm tra lại các đáp án của mình xem có mắc lỗi chính tả hay không, các danh từ viết hoa, hay số lượng từ cần điền đã đúng chưa. Ở bước này, thí sinh cũng có đủ thời gian để xem lại phần ghi chú của mình để đưa ra câu trả lời cho các câu hỏi còn phân vân.
- Hiểu các dạng bài để phân bố thời gian phù hợp với từng dạng
Khi luyện đề, thí sinh đã làm quen với các dạng bài thường gặp trong IELTS Listening. Mỗi dạng bài sẽ có chiến thuật làm khác nhau mà dựa vào đó thí sinh có thể phân bố thời gian sao cho phù hợp. Việc hiểu các dạng bài và nắm rõ được những điều cần thiết phải làm cho từng dạng sẽ giúp thí sinh sử dụng khoảng thời gian ít ỏi của mình một cách hiệu quả hơn.
- Luyện tập đọc nhanh
Trong bài thi này, việc luyện cách đọc nhanh sẽ giúp thí sinh tiết kiệm được rất nhiều thời gian và có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc suy nghĩ và phân tích nội dung cũng như giúp câu trả lời chắc chắn hơn. Để tăng tốc độ đọc, thí sinh có thể luyện tập bằng cách đưa mắt theo cụm từ thay vì từng từ một. Ngoài ra, việc đọc nhanh cũng có thể được cải thiện nhờ vào việc xác định các từ khoá chính (keywords – content words) trong câu một cách nhanh chóng.
Hi vọng với bài viết này, các bạn có thể áp dụng được các biện pháp để quản lý thời gian tốt hơn trong quá trình làm bài IELTS Listening, giúp việc làm bài thi đạt hiệu quả cao và nâng cao kỹ năng nghe.