03/09/2022
Cách làm dạng bài TRUE/FALSE/NOT GIVEN của IELTS Reading
Dạng bài True/False/Not Given là một trong những dạng câu hỏi thường gặp nhất trong IELT Reading. Để có thể làm tốt dạng bài này, bạn cần nắm rõ kỹ năng phân tích, đánh giá nội dung và đưa ra lựa chọn chính xác nhất. Hãy cùng EFOS tìm hiểu các bước để chinh phục dạng bài khó nhằn này nhé.
- Định nghĩa về dạng bài True/False/Not Given
Trong IELTS Reading, dạng bài này thường có 2 hình thức:
- True/False/Not given: dạng cần dựa vào thông tin cho sẵn trong bài đọc, kiểm chứng độ đúng/sai hoặc không được đề cập đến để tìm ra câu trả lời.
- True: Nếu trong bài đọc có thông tin khẳng định thông tin ở đề bài là đúng.
- False: Nếu trong bài đọc có thông tin trái ngược hoặc sai so với thông tin ở đề bài.
- Not given: Nếu trong bài đọc không có thông tin nào đề cập đến vấn đề nêu ra ở đề bài.
- Yes/No/Not given: dạng cần dựa vào thông tin cho sẵn trong bài đọc, từ đó suy luận theo quan điểm của tác giả để tìm ra đáp án chính xác.
- Yes: Nếu trong bài đọc có thông tin cùng quan điểm với thông tin cho ở đề bài
- No: Nếu thông tin ở đề bài trái ngược hoặc phủ định với quan điểm của tác giả thể hiện trong bài đọc
- Not given: Quan điểm của tác giả trong bài đọc không liên quan đến thông tin mà đề bài đưa ra.
- Phương pháp làm bài True/False/Not Given
- Để làm được dạng bài True/False/Not Given, thí sinh cần chú ý đến nội dung của nhận định cho ở đề bài và nội dung kiểm chứng trong bài đọc. Nếu bạn tìm được nội dung kiểm chứng Đúng/Sai cho câu nhận định ở đề bài, câu trả lời của bạn sẽ là True/False. Ngược lại, nếu bạn không tìm thấy thông tin để kiểm chứng cho nhận định ở đề bài, thì đáp án sẽ rơi vào “Not Given”.
- Hãy cẩn thận với những “keywords” trong bài đọc. “Keywords” có nhiệm vụ giúp thí sinh định hướng được phần cần phải đọc để trả lời câu hỏi. Bạn không thể dựa vào sự xuất hiện của “keywords” để đưa ra câu trả lời cho dạng bài này. Thay vào đó, hãy dùng “keywords” để tìm kiếm và lọc thông tin một cách hiệu quả, đọc hiểu nội dung phần đó để có thể có câu trả lời chính xác nhất.
- Các bước làm bài True/False/Not Given
- Bước 1: Gạch chân “Keywords”
Bạn không nên gạch chân quá nhiều từ gây nhiễu loạn thông tin và không thể tìm được nội dung cần đọc. Hãy gạch chân những keywords cần thiết để dễ dàng cho việc tìm và lọc thông tin. Có 2 dạng keywords cần lưu ý để định vị thông tin:
-
- Keywords ưu tiên: những từ khó được paraphrase (tên riêng, địa điểm, giờ, hay thuật ngữ khoa học)
- Keywords có thể được thay thế: thường là danh từ, động từ, tính từ hay cả một cụm từ. Hãy chú ý đến những từ đồng nghĩa vì những từ này sẽ không xuất hiện y nguyên trong đoạn văn mà sẽ được diễn đạt bằng một cách khác nhưng vẫn mang chung ý nghĩa.
- Bước 2: Scanning
Sau khi đã tìm được từ khoá quan trọng trong bài đọc, bạn có thể khoanh vùng và đọc kỹ để hiểu nội dung của phần có chứa thông tin cần thiết, so sánh các cặp từ khoá và từ đồng nghĩa để tìm ra được đáp án đúng.
- Bước 3: Viết đáp án
Lưu ý không bao giờ được để giấy thi trống. Hãy dùng phương pháp loại trừ để tăng độ chính xác cho lựa chọn của bạn.
- Những tips khi làm bài True/False/Not given
- Đáp án cho các câu hỏi sẽ lần lượt được tìm thấy theo thứ tự ở trong bài đọc
- “Not given” không có nghĩa là không có thông tin liên quan. Trong bài đọc, bạn sẽ tìm thấy những thông tin đề cập đến những keywords có trong đề bài, tuy nhiên những thông tin đó không dùng để trả lời cho câu hỏi mà đề bài đưa ra. Bạn sẽ thường bị “gài bẫy” ở câu này và đưa ra lựa chọn sai nếu như không cẩn thận đọc kỹ nội dung.
- Bạn không được suy đoán thông tin là đúng hay sai theo ý kiến chủ quan của bạn. Thông tin để trả lời cho câu hỏi chỉ nằm trong bài đọc. Hãy định vị thông tin cần đọc và dựa vào nội dung cho sẵn trong bài đọc để đưa ra câu trả lời.
- Lưu ý những từ hoặc cụm từ chỉ tần suất (often, barely, always, sometimes,…), các trạng từ chỉ khả năng xảy ra của hành động (likely, probably,…), các lượng từ (some, not so many, all, every,…) và động từ khuyết thiếu (can, must, have to,…). Đây là những từ và cụm từ xác định hàm ý câu văn, làm thay đổi hoàn toàn ngữ nghĩa của câu.
- Không nên đọc lướt để nhặt ý mà nên dùng keywords để định vị và hiểu rõ nội dung của phần cần đọc.