15/07/2023
Các lỗi nguỵ biện thường gặp trong tư duy logic
Tư duy phản biện là một kỹ năng quan trọng trong cả công việc lẫn cuộc sống. Không chỉ phục vụ những kỹ năng cần thiết khi học IELTS, tư duy phản biện giúp ta nhìn nhận mọi vấn đề một cách sâu sắc và logic hơn, từ đó đưa ra các nhận định và quyết định đúng đắn hơn. Trong việc học ngoại ngữ, tư duy phản biện sẽ giúp học viên nắm bắt được logic của ngôn ngữ để từ đó học từ vựng và ngữ pháp một cách hệ thống. Đặc biệt trong bài thi IELTS, tư duy phản biện rất cần thiết trong 2 task Reading và Writing. Tuy nhiên, có những lỗi tư duy mà bất kỳ ai cũng thường mắc phải mà đôi khi không hề biết để sửa. Những lỗi tư duy này khiến chúng ta có những suy luận sai lầm, thiếu tính xác thực, dẫn đến những lập luận không chặt chẽ và không có sự logic. Hãy cùng EFOS tìm hiểu các lỗi tư duy thường gặp để tránh mắc lỗi gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các dạng bài Reading và Writing của IELTS nhé.
- Lối tư duy “Hoặc-tất-cả-hoặc-không-gì-hết” (All-or-nothing Thinking)
Tư duy “hoặc tất cả hoặc không gì hết” còn được gọi là tư duy trắng đen hay tư duy phân cực. Đây là kiểu suy nghĩ luôn nhìn mọi thứ một cách tuyệt đối. Người có tư duy này luôn cho rằng mọi tình huống, hoàn cảnh đều chỉ mang một trạng thái duy nhất: trắng hoặc đen, tất cả hoặc không có gì, tốt hay xấu, thành công hay thất bại, v.v. Lối tư duy này khiến bạn chỉ tập trung vào một khía cạnh nhất định của vấn đề một cách rất cứng nhắc, không có phương án thứ hai. Qua đó, khả năng nhìn nhận vấn đề cũng bị ảnh hưởng khi suy nghĩ bị giới hạn trong một góc nhìn duy nhất, không có sự đa dạng, khách quan.
Một cách để loại bỏ lỗi tư duy này là tập nhìn nhận và đánh giá mọi sự vật sự việc dưới góc nhìn đa chiều và khách quan nhất có thể.
- Lỗi tư duy Ngụy biện kết luận ẩu (Jumping to Conclusions)
Jumping to conclusions là đưa ra kết luận trước khi có thông tin, dữ liệu xác thực sự thật bất kể kết luận đó đúng hay sai.
Có hai trường hợp của ngụy biện kết luận ẩu:
- Mind reading: Trường hợp này xảy ra khi bạn mặc định người khác sẽ phản ứng theo một chiều hướng nào đó hoặc tin rằng họ có những suy nghĩ mà không hề có thông tin nào kiểm chứng điều đó, hay còn gọi là sự quy chụp.
- Fortune telling: Bạn dự đoán một sự kiện sẽ xảy ra theo chiều hướng mà bạn mong muốn, thường để tránh đối mặt với lựa chọn khó khăn hơn mà bạn mặc định kết luận cho sự việc đó.
Để khắc phục lỗi Jumping to conclusions, hãy xem xét kỹ lưỡng sự việc, chứng cớ, dữ liệu trước khi vội đưa ra kết luận. Hãy đặt câu hỏi cho bản thân để xác minh tính khách quan và minh bạch của bất cứ sự kiện nào.
- Lỗi tư duy Phóng đại (Magnification)
Lỗi tư duy Phóng đại là một trong những lỗi tư duy phổ biến mà chúng ta có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Khi mắc lỗi tư duy này, chúng ta thường sẽ tập trung vào những khía cạnh tiêu cực của một tình huống và phóng đại chúng lên dựa trên kinh nghiệm của bản thân. Chẳng hạn, khi gặp một thất bại nhỏ, chúng ta có thể cảm thấy rằng mình đã thất bại toàn diện và không còn cách nào để khắc phục. Khi có sai lệch trong quá trình xử lý thông tin, ta dễ hiểu sai ý nghĩa thực sự của các tình huống, sự kiện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày.
Để tránh khỏi tư duy phóng đại, ta phải nhìn toàn cảnh sự việc, hiện tượng. Kinh nghiệm bản thân chỉ là một góc nhìn nhỏ phiến diện. Do vậy, ta cần tổng hợp trải nghiệm cá nhân của nhiều người khác nhau để có một góc nhìn bao quát hơn.
- Lỗi tư duy Dán nhãn (Labeling)
Một trong những lỗi tư duy phổ biến tiếp theo là tư duy dán nhãn. Labeling là một tư duy bóp méo nhận thức trong đó chúng ta lấy một đặc điểm của một người và gắn mác lên toàn bộ con người họ.
Ví dụ: Bởi vì tôi trượt bài kiểm tra Toán nên tôi là đứa học dốt; Bởi vì cô ấy thường xuyên đi muộn, nên cô ấy là người vô trách nhiệm.
Thay vì suy nghĩ khách quan hơn về các hành vi/đặc điểm trên, chúng ta nhanh chóng dán nhãn và mô tả cả một con người/sự việc theo cách chúng ta muốn và cho rằng nó hợp lý. Đây là một lối suy nghĩ lệch lạc, có thể bóp méo sự thật và khiến chúng ta trở nên thiển cận. Việc đưa ra một giả định khái quát chỉ dựa trên một dữ liệu không thể đảm bảo tính chính xác hoàn toàn.
Nếu nhận thấy bản thân đang có tư duy dán nhãn, hãy tập nhìn nhận hành vi/đặc điểm một cách khách quan và hãy xem nó như một vấn đề chứ không phải là một con người/sự vật/sự việc. Như vậy, điều quan trọng tiếp theo là giải quyết vấn đề chứ không phải là dán nhãn.
Trên đây là những lỗi tư duy phổ biến mà chúng ta dễ mắc phải. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về từng loại tư duy sai lầm từ đó tránh mắc phải để có thể luyện tập đưa ra những luận điểm logic để suy luận cho bài Reading và Writing của IELTS.