08/05/2023
Các loại tốc độ đọc và những lầm tưởng trong IELTS Reading
Một trong những khó khăn mà thí sinh khi đi thi IELTS phải đối mặt trong bài Reading là các bài đọc học thuật dài, nhiều từ vựng chuyên môn khó, cùng áp lực thời gian chỉ vỏn vẹn 60 phút để đọc và trả lời tất cả các câu hỏi của 3 bài đọc. Yếu tố mấu chốt để thí sinh có thể hoàn thành tốt bài thi Reading là tốc độ đọc. Tuy nhiên, có nhiều lầm tưởng về tốc độ đọc khiến cho thí sinh trả lời câu hỏi không đạt hiệu quả vì chỉ tập trung vào đọc càng nhanh càng tốt. Hãy cùng EFOS tìm hiểu các loại tốc độ đọc và từng mục đích để áp dụng phù hợp cho các bài đọc của IELTS Reading nhé.
3 hiểu lầm về tốc độ đọc trong IELTS Reading
- Đọc càng nhanh càng tốt
IELTS Reading là bài thi kiểm tra trình độ đọc hiểu. Nói cách khác, bên cạnh việc đọc văn bản, thí sinh còn cần phải hiểu nội dung và nắm được thông tin cần thiết để trả lời cho các câu hỏi. Do vậy, nếu như chỉ đọc nhanh mà lượng thông tin không nắm bắt đủ thì thí sinh cũng không thể đạt được kết quả cao. Đọc càng nhanh không có nghĩa là kết quả trả lời đúng càng cao. Thí sinh còn cần thời gian phân tích, suy luận để hiểu rõ các đoạn thông tin quan trọng. Do vậy, tuỳ vào mục tiêu của từng phần đọc, thí sinh phải lựa chọn tốc độ đọc phù hợp. Hãy luôn nhớ rằng mục đích của việc luyện thi IELTS Reading là “learn to read better, not faster” - học cách đọc hiệu quả hơn, không phải học cách đọc nhanh hơn.
- Chỉ cần duy trì một tốc độ đọc cho cả phần thi
IELTS Reading là bài đọc học thuật, với mục đích là để kiểm tra khả năng đọc, phân tích thông tin để tìm hiểu các quan điểm khác nhau về một chủ đề cụ thể, từ đó phục vụ các mục đích nghiên cứu sâu hơn. Bên cạnh những chi tiết quan trọng, bài đọc sẽ có những câu văn mang chức năng dẫn dắt mà thí sinh không cần thiết phải quá tập trung vào phân tích chúng. Do vậy, thí sinh cần nắm chắc kỹ năng chắt lọc thông tin, lựa chọn tốc độ đọc phù hợp với từng loại thông tin. Cụ thể, thí sinh có thể đọc lướt nhanh ở những đoạn thông tin không quan trọng để dành nhiều thời gian đọc chậm hơn ở những đoạn văn chứa chi tiết mấu chốt để trả lời câu hỏi đề bài. Bằng cách này, thí sinh vừa có thể đáp ứng về mặt thời gian đọc, vừa có khả năng phân tích và chọn phương án đúng một cách hiệu quả nhất.
- Đọc một mạch và không đọc đi đọc lại
Trong quá trình học IELTS Reading, chắc hẳn thí sinh đã được giới thiệu về speed reading - kỹ năng đọc nhanh mà không đọc đi đọc lại một đoạn văn để mất quá nhiều thời gian cho một chi tiết nhỏ. Tuy nhiên, kỹ năng này sẽ không được áp dụng cho những trường hợp khi thí sinh cần phân tích một đoạn văn học thuật có nhiều từ vựng chuyên môn cao, hay những câu văn dài và cụm từ chuyên ngành. Nếu chỉ đọc qua một lần, đặc biệt là ở các câu hỏi và những đoạn thông tin có chứa câu trả lời, thí sinh sẽ không nắm bắt đủ thông tin cần thiết để hiểu, đối chiếu và suy luận ra câu trả lời. Điều mấu chốt là thí sinh phải xác định được chỗ nào cần hiểu kỹ và chỗ nào chứa thông tin quan trọng để thực hiện việc đọc nhiều lần. Còn lại đối với đoạn thông tin không phục vụ mục đích trả lời câu hỏi, thí sinh có thể áp dụng speed reading đọc nhanh qua và không thực hiện việc đọc đi đọc lại nhiều lần, dễ gây rối loạn thông tin và mất tập trung.
3 loại tốc độ đọc có thể áp dụn trong IELTS Reading
- Đọc tìm chi tiết
Đọc tìm chi tiết có tên gọi quen thuộc là kỹ năng “scanning”. Đây là tốc độ đọc nhanh nhất mà thí sinh sử dụng khi làm bài IELTS Reading. Mục đích của cách đọc này là để định vị nhanh những chi tiết cụ thể như tên riêng, số liệu hoặc một trích dẫn trực tiếp trong ngoặc kép. Sau khi xác định được các từ khoá quan trọng trong đề bài mà ít bị paraphrase (tên riêng, số, trích dẫn trực tiếp,…), thí sinh có thể thực hiện đọc nhanh scanning để tìm kiếm các từ khoá đó trong bài đọc. Tốc độ đọc này phù hợp với các dạng bài: Multiple Choice (lựa chọn các phương án A, B, C, D), True/False/Not given hoặc Yes/No/Not given (kiểm chứng lại thông tin), Matching Information (nối thông tin), Matching features (nối đặc điểm), Completion (điền từ), và Diagram Labelling (biểu đồ)
- Đọc nhanh để hiểu ý chính
Khi sử dụng tốc độ đọc này, thí sinh có thể đọc rất nhanh nhưng vẫn hiểu được nội dung chính và bố cục của bài đọc hoặc của các đoạn văn. Ở tốc độ đọc này, thí sinh thường được làm quen với phương pháp “speed reading” hay “skimming”. Khi thực hiện tốc độ đọc nhanh để hiểu ý chính, thí sinh sẽ đọc lướt nhanh qua các từ và tập trung hơn vào các từ mang nội dung (danh từ, động từ, tính từ, trạng từ) để xác định được ý chính. Tốc độ đọc skimming khi làm bài đọc IELTS Reading thường là 200 chữ/phút, tốc độ nhanh nhưng đủ để thí sinh hiểu ý chính khái quát của đoạn văn hoặc cả bài văn. Thông thường, thí sinh sẽ áp dụng tốc độ đọc nhanh skimming này vào các dạng bài như Matching headings (tìm tiêu đề cho đoạn văn), đọc phụ đề giới thiệu ở đầu bài đọc để nắm bắt nội dung khái quát của cả bài đọc, và một vài câu đầu ở mỗi đoạn văn để nắm được chủ đề và các ý chính trước khi trả lời câu hỏi.
- Đọc chậm để hiểu rõ thông tin
Đây là tốc độ đọc bình thường, nhanh hơn hay chậm hơn tuỳ thuộc vào thói quen và khả năng đọc của thí sinh. Với phương pháp đọc chậm này, thí sin có thể vừa đọc vừa gạch chân tìm từ khoá quan trọng để nhớ và hiểu kỹ thông tin. Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết phải phân tích kỹ hơn, thí sinh có thể đọc đi đọc lại một câu hay một đoạn để hiểu rõ nội dung và chắc chắn về đáp án của mình. Phương pháp đọc chậm còn giúp thí sinh nhận diện paraphrase ở câu hỏi đề bài và bài đọc. Tốc độ đọc chậm thường được áp dụng khi thí sinh đọc câu hỏi, đối chiếu các đoạn thông tin có chứa câu trả lời, làm các câu hỏi khó chưa làm được hoặc chưa chắc chắn về đáp án. Đặc biệt, phương pháp đọc chậm rất hữu ích để thí sinh thực hiện các dạng bài khó của Multiple Choice khi câu trả lời không có sẵn trực tiếp trong bài đọc mà yêu cầu có sự suy luận của thí sinh.
Bài thi IELTS Reading không phải là cuộc thi kiểm tra tốc độ đọc, mà là bài kiểm tra mức độ đọc hiểu và phân tích thông tin của thí sinh đối với các bài đọc học thuật. Để làm bài hiệu quả dưới áp lực thời gian của phòng thi, thí sinh không những cần nắm chắc kỹ năng tăng tốc độ đọc, mà còn phải biết cách lựa chọn tốc độ đọc phù hợp với từng mục đích để đọc hiểu văn bản và trả lời câu hỏi tốt nhất.