5 điều tối kỵ trong phòng thi IELTS Speaking

Trong bài thi IELTS, phần thi Speaking được coi là điểm yếu của rất nhiều thí sinh. Bên cạnh việc tập luyện các kỹ năng cần thiết cho phần thi này, thí sinh cũng cần hiểu những điều tối kỵ để không bị mất điểm oan. Vì vậy, hãy cùng EFOS tìm hiểu những điều nên tránh khi đi thi IELTS Speaking để hoàn thiện phần thi của mình một cách trọn vẹn và được giám khảo đánh giá cao hơn nhé.

  1. Học “tủ” câu trả lời Speaking mẫu

Việc làm quen với các đề bài quen thuộc, lên ý tưởng, tham khảo và nghiên cứu các bài mẫu là một phần không thể thiếu trong quá trình luyện tập IELTS Speaking. Tuy nhiên, thí sinh chỉ nên thực hiện các bước này ở giai đoạn luyện tập tại nhà để trau dồi vốn từ vựng, cách trả lời cũng như bổ sung các kiến thức về nhiều chủ đề khác nhau. Nhiều bạn sợ rằng bài nói bị ấp úng, không trôi chảy nên đã học thuộc các câu trả lời trước đó. Tuy nhiên, khi giao tiếp trong phần thi, giám khảo chắc chắn sẽ nhận ra bài nói nào là được học thuộc trước và thiếu đi sự tự nhiên. Trong trường hợp này, giám khảo sẽ không đánh giá cao cách ứng phó và khả năng sử dụng tiếng Anh của bạn. Thay vào đó, họ sẽ đổi hướng các câu hỏi ở phần sau, gây ra khó khăn hơn vì bạn không kịp chuẩn bị trước câu trả lời cho những tình huống này. Do vậy, các bạn chỉ nên chuẩn bị trước ý chính chứ không nên học tủ thuộc lòng câu trả lời. Một chút lúng túng hay ngập ngừng ở những câu hỏi khó đôi khi lại khiến cho bài nói của bạn diễn ra tự nhiên hơn.

  1. Nhồi nhét từ vựng trong bài nói

Đây là một trong những nhầm lẫn phổ biến của thí sinh khi đi thi IELTS Speaking. Rất nhiều bạn lầm tưởng rằng phải sử dụng thật nhiều các từ vựng cao siêu, thể hiện vốn từ vựng và khả năng dùng từ của mình để nâng band điểm cao hơn. Tuy nhiên, việc nhồi nhét các từ vựng khó trong bài nói lại gây phản tác dụng. Khi cố nhét thật nhiều từ vựng phức tạp sẽ gây ra sự khó hiểu cho người nghe, dẫn đến diễn đạt dài dòng hoặc thậm chí là dùng sai ngữ cảnh. Hơn nữa, bạn sẽ tự làm khó mình khi dùng nhiều từ vựng không quen thuộc (khó phát âm, không rõ nghĩa cụ thể, ít ngữ cảnh phù hợp), dẫn đến tình trạng ấp úng mất nhiều thời gian để não bộ xử lý thông tin và lựa chọn từ. Từ vựng tốt (less common vocabulary & idiomatic expressions) nên được sử dụng một cách rải rác, nhằm tạo ra sự nhấn mạnh cho bài nói ở một số điểm đặc biệt. Do vậy, bạn hãy sử dụng các từ vựng thể hiện chính xác những gì bạn muốn nói, không “khoe mẽ” vốn từ vựng quá nhiều gây mất tập trung cho các ý chính mà bạn muốn thể hiện.

  1. Nhắc lại nguyên văn đề bài của Part 2

Thói quen thường gặp của thí sinh khi gặp một chủ đề khó nào đó là nhắc lại đề bài để câu giờ suy nghĩ cho câu trả lời. Đặc biệt là ở phần thi IELTS Speaking Part 2, thí sinh sẽ có thiên hướng bắt đầu câu trả lời bằng cách nhắc lại nguyên văn cả đề bài hoặc cụm từ mang nội dung chính của câu hỏi. Điều này sẽ làm bạn mất điểm ngay lập tức vì giám khảo sẽ đánh giá bạn không có khả năng paraphrase lại nội dung câu hỏi, từ đó suy ra vốn từ vựng của bạn còn yếu kém nên không diễn đạt linh hoạt được. Thay vì nhắc lại y nguyên những gì xuất hiện trong đề bài, thí sinh nên paraphrase lại một số từ bằng cách thay đổi cấu trúc ngữ pháp và chọn từ đồng nghĩa để diễn đạt. Những kỹ thuật paraphrase bạn có thể học và luyện tập trước khi đi thi để không bị bỡ ngỡ và tiết kiệm thời gian suy nghĩ khi trả lời câu hỏi.

  1. Dẫn dắt vào chủ đề quá lâu

Trong phần thi Speaking, việc dẫn dắt vào chủ đề cũng là một nghệ thuật, đặc biệt là ở phần thi Part 2. Ngoài ra, ở phần thi Part 3, nếu chẳng may gặp chủ đề khó, thí sinh cũng có thể dẫn dắt vào chủ đề để kéo dài thời gian suy nghĩ cho câu trả lời. Tuy nhiên, nhiều thí sinh dẫn dắt quá dài và quá lâu, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu chí coherence (độ mạch lạc của bài nói). Nếu bạn dẫn dắt vào chủ đề quá lâu, câu trả lời của bạn thậm chí còn có khả năng cao sẽ đi xa khỏi chủ đề, lê thê, thiếu mạch lạc và dẫn đến việc lạc đề. Do vậy, để kiểm soát việc mở đầu bài nói và dẫn dắt vào chủ đề, thí sinh nên khống chế bước này chỉ trong 15 đến 30 giây đầu tiên của bài nói, hoặc chỉ nên dành ra 1 đến 2 câu dẫn và đi thẳng vào vấn đề.

  1. Nói chuyện tán gẫu với giám khảo  

Lỗi này thường gặp ở những bạn có thiên hướng thích giao tiếp và hướng ngoại. Trong trường hợp gặp ban giám khảo thể hiện sự thân thiện, thí sinh hay bị cuốn theo cuộc hội thoại giao tiếp thường ngày mà quên mất rằng mục đích chính trong phòng thi là trả lời các câu hỏi học thuật một cách chỉn chu và đúng mực nhất. Thậm chí, bài nói của bạn phải được chuẩn bị kỹ càng để thể hiện sự mạch lạc giữa các ý chính, ngữ pháp đúng với văn phong nói, và cách lựa chọn từ cũng phải cẩn thận. Chúng ta không thể sử dụng các từ đệm hoặc những từ sử dụng trong giao tiếp hàng ngày với bạn bè để mang vào phòng thi, dù cho bài nói có yêu cầu thể hiện sự tự nhiên trong cách sử dụng tiếng Anh giao tiếp. Do đó, bạn không nên “tương tác” với giám khảo bằng cách hỏi chuyện cá nhân ngoài lề mà hãy tập trung vào bài thi, đề thi và hoàn thành câu trả lời một cách chuyên nghiệp nhất có thể.

 

Trên đây là những điều tối kỵ mà thí sinh cần phải tránh trong phòng thi IELTS Speaking. Bên cạnh các tips giúp thí sinh ăn điểm, EFOS cũng muốn các bạn hiểu về những điều không nên làm để không bị mất điểm một cách không đáng có chỉ vì không rõ về các điều tối kỵ “ngầm” mà ít sách vở nào đề cập tới. Hi vọng với những chia sẻ này, các bạn có hướng luyện tập đúng đắn và chinh phục band điểm mơ ước cho phần thi IELTS Speaking.

091.869.8596
Liên hệ qua Zalo
Messager